Trang chủ Chợ mua bán con dấu giả

Chợ mua bán con dấu giả

Một trong những khu vực nổi tiếng về khắc dấu ở TP HCM là “chợ" Lưu Hữu Khánh (quận 1). Chỉ cần bỏ ra ít tiền là khách có thể đặt khắc con dấu có hình quốc huy để... chơi, hay mua con dấu của doanh nghiệp đã "chết" để đóng vào hóa đơn.

Tại cửa hiệu khắc dấu đối diện cổng trường Kết Đoàn, khi khách yêu cầu làm một con dấu có hình quốc huy với cái nền nổi lên trên là... tên mình. Ông chủ tiệm khom người xuống hộc tủ lấy ra một cuốn sổ in hình mẫu những con dấu tương tự để khách chọn. Các mẫu dấu đó hầu hết là dấu cơ quan Nhà nước, từ tổ chức, đoàn thể cho đến UBND xã, phường X, Y.

Ngoài những con dấu ghi ngày tháng, tiếp nhận công văn, dấu chữ ký..., còn có nhiều con dấu quái chiêu khác: hình tờ tiền 50.000 đồng (kích cỡ bằng hộp thuốc) trên đó có tên của một cô gái; hình quốc huy, ở giữa dập chìm trái tim và dòng chữ “I love you" nằm ngang...

Tại một số tiệm khắc dấu nằm sát lối ra đường Nguyễn Trãi và trên đường Phùng Hưng (quận 5), khách cũng được tiếp thị bằng quyển sổ lưu sẵn mẫu con dấu để lựa chọn. Và quyển sổ nào cũng có hàng loạt mẫu con dấu của trường học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giới thiệu việc làm, ngân hàng... Cùng một lô con dấu hình chữ nhật, hình vuông, ngũ giác... do khách hàng yêu cầu mà mục đích để chơi hơn là làm dấu.

Theo một anh xe ôm thì khu vực này còn kinh doanh cả con dấu “chết". Đó là con dấu của những công ty đã chấm dứt hoạt động nhưng không giao nộp lại cho cơ quan quản lý; con dấu của một số doanh nghiệp “ma" sau khi biến mất đã được đem bán lại ở chợ trời.

Kinh doanh dịch vụ khắc dấu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cửa hiệu chỉ được phép nhận khắc dấu cho tổ chức khi có văn bản cho phép của cơ quan an ninh (trường hợp khắc dấu tiêu đề, nhật ấn, chữ ký... phải có giấy giới thiệu của cơ quan có nhu cầu khắc dấu cùng chứng minh nhân dân người đi khắc dấu). Đối với cá nhân, chỉ được phép khắc dấu tiêu đề, nhật ấn, chữ ký... cùng một số con dấu khác không thuộc danh mục quản lý của cơ quan Nhà nước, và khi đi khắc dấu phải xuất trình chứng minh nhân dân. Quy định chặt chẽ là thế nhưng thực tế gần như chẳng cửa hiệu nào chấp hành.

Tại nhiều hiệu khắc dấu trên đường Phùng Hưng, vừa nghe khách nói muốn đặt làm con dấu, ông chủ tiệm đã hỏi ngay tên công ty là gì, và đưa cho xem mẫu dấu, ra giá và hẹn ngày giao, tuyệt nhiên không yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ gì để chứng minh.

Theo thạc sĩ Phan Anh Tuấn, giảng viên môn Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM, hành vi của những người làm giả con dấu ở tiệm khắc dấu chỉ có thể xem là đồng phạm khi họ có chủ đích hợp tác với người đặt làm con dấu giả để đi lừa người khác. Còn nếu họ nhận làm con dấu giả để nhận tiền thù lao mà không có ý định làm nó để lừa dối tổ chức, cá nhân thì về lý họ không phạm tội.

Cũng theo ông Tuấn, để xác định hành vi làm giả con dấu của một người nào đó có phạm tội hay không phải căn cứ vào mục đích của họ làm ra con dấu giả đó để làm gì. Cùng ý kiến như vậy, luật sư Huỳnh Thanh Nga, Đoàn Luật sư TPHCM, nói thêm: “Quy định của pháp luật là tiệm khắc dấu không được làm những con dấu có hình thức và nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan công an nhưng nếu người ta làm chui thì cũng chẳng có chế tài nào xử lý”.

 

(Theo Pháp luật TP HCM)